Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Hiệp định chiếm khoảng 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử. Với Việt Nam, Hiệp định chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022. Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, hiệp định RCEP tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới và được kỳ vọng xóa bỏ tới 90% thuế quan trong vòng 20 năm giữa các thành viên. Vậy, Hiệp định có những tác động như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam?.
RCEP sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế thương mại và thúc đẩy quá trình phục hồi hậu đại dịch. Các mặt hàng xuất khẩu chính hưởng lợi từ RCEP bao gồm công nghệ thông tin, dệt may, da giày, nông nghiệp, ô tô và viễn thông. Trong dài hạn, hiệp định này sẽ tạo ra nền tảng để tạo dựng một chuỗi cung ứng mới trong khu vực, trong đó vai trò của Việt Nam là hết sức quan trọng. Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm ở mức 6 – 7% trong thời gian từ 2021-2030.
“RECP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia. Hiệp định này sẽ giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam giảm thiểu chi phí và tiếp cận chuỗi cung ứng khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Phần lớn nguyên liệu thô phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam được nhập từ các nước tham gia RCEP”, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam tại Ngân hàng Standard Chartered, nhận định.
“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và đóng góp 40% vào GDP, sẽ hưởng lợi khi RCEP mang đến các cơ hội giúp các doanh nghiệp phát triển lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng”, ông Tim Leelahaphan cho biết.
Tuy nhiên, là thành viên của RCEP, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn, ở cả trong nước lẫn tại các thị trường xuất khẩu. Đối với lĩnh vực xuất khẩu, RCEP sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh từ các nước Đông Nam Á, trong đó, một số nước có thể mạnh về các sản phẩm tương tự như Việt Nam, nhất là trong các ngành thâm dụng lao động. Sức ép cạnh tranh sẽ thúc đẩy Việt Nam chuyển đổi sang sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Mặt khác, Việt Nam có thể nhập khẩu các nguyên vật liệu chất lượng cao từ các nước thành viên một cách dễ dàng hơn và tiếp cận tốt hơn với các thị trường để cung cấp các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi với vai trò là địa bàn sản xuất thay thế khi các doanh nghiệp áp dụng chiến lược Trung Quốc + 1. Tuy nhiên, các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc cũng sẽ có thể tiếp cận dễ dàng đổ bộ thị trường Việt Nam hơn và điều này vô hình trung lại trở thành thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước.
Các chuyên gia của Standard Chartered dự báo thặng dư cán cân vãng lai và nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục là những yếu tố quan trọng hỗ trợ cho tiền đồng (VND) trong dài hạn. RCEP sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, hỗ trợ cán cân vãng lai và thu hút thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. “Tổng cán cân vãng lai và vốn đầu tư trực tiếp ròng vào Việt Nam đạt mức trung bình hàng năm 19 tỷ USD trong 9 năm qua. Với kết quả này, chúng tôi kỳ vọng VND sẽ tiếp tục tăng giá trong những năm tới. Dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ đạt 22.500 vào cuối năm 2022 và 22.000 và cuối năm 2023”, ông Divya Devesh, Trưởng nhóm nghiên cứu ngoại hối khu vực ASEAN và Nam Á tại Ngân hàng Standard Chartered, cho biết.
Ông Florian Costantin Feyerabend, Đại diện thường trú Viện Konrad-Adenauer-Stiftung Việt Nam, CHLB Đức đánh giá, RCEP sẽ thúc đẩy việc dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam khi mà 90% các biểu thuế quan sẽ được dỡ bỏ trong vòng 20 năm tới cũng như áp dụng các quy tắc xuất xứ (ROO) rất đặc biệt.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI cho rằng, nguồn cung, nguồn chung gian của phần lớn sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đến từ khu vực RCEP và đầu ra của một số sản phẩm cũng ở khu vực này. Khi cả chuỗi cung ứng nằm trong cùng một khu vực và có một bộ xuất xứ hoàn chỉnh thì đó chính là lợi thế để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Lợi thế lớn nhất mà chúng tôi nhìn thấy trực tiếp đó chính là câu chuyện về hài hoà quy tắc xuất xứ để chúng ta có thể tận dụng ở RCEP. Chúng ta phải chú ý là có sự cộng hưởng RCEP và 14 FTA khác mà Việt Nam đang có. Có thể nói ở trong khu vực này Việt Nam là “quán quân” về các FTA. Vì thế nó là một cơ hội, là một động lực rất tốt để chúng ta có thể thu hút đầu tư FDI, đấy chính là thế mạnh.”
Hiện nay, các báo cáo đánh giá về tác động của RCEP đều cho rằng Hiệp định sẽ mang lại nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế khu vực. Theo đó, tới năm 2030, sẽ làm tăng thu nhập của toàn khu vực khoảng 0,6%, tương đương với tăng thêm mỗi năm 245 tỷ USD và tạo thêm 2,8 triệu việc làm. Đối với Việt Nam, các nghiên cứu gần đây đều chỉ ra Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều từ RCEP. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm 2022 dự báo rằng GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 4,9% và xuất khẩu tăng ở mức 11,4% tới năm 2030.
Dịch vụ 24/7 - Tư vấn nhiệt tình - Sản phẩm chất lượng - Giao hàng tận nơi !
CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT THÀNH (VITIMEX CO., LTD)
VPGD: NV02-203 Nguyễn Huy Tưởng, P. Thanh Xuân Trung, Q. Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 024.33547943 / 0983.953.795- Fax: 024.33547943
Email: vitimex99@gmail.com or info@vitimex99.com
Website: www.vitimex99.com