Quy định kiểm tra chuyên ngành cứng nhắc với một số hàng hóa trước khi thông quan đã làm mất thời gian, tốn chi phí và gây bức xúc cho nhiều doanh nghiệp.
Trong một vài năm trở lại đây, ngành hải quan được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá có nhiều đột phá và đổi mới nhất, nếu so với các dịch vụ công khác như thuế và bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại với lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan diễn ra ngày 29/10, nhiều doanh nghiệp cho biết họ cảm thấy "mệt mỏi" và "vất vả" với những thủ tục rườm rà của quy định kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan.
Theo quy định, một số mặt hàng buộc phải được kiểm tra về tiêu chuẩn chất lượng trước khi thông quan, trong số đó có mặt hàng dệt may và thuốc bảo vệ thực vật. Là đơn vị nhập khẩu cả hai mặt hàng này, bà Trịnh Tú Anh - Giám đốc Công ty TNHH thương mại và Xây dựng An Đô - cho biết thời gian và chi phí phát sinh cho việc kiểm tra chuyên ngành này rất lớn.
Với mặt hàng dệt may, bà Tú Anh cho biết trong 9 tháng qua phải nộp tổng cộng 620 triệu đồng để kiểm định tại Viện Dệt may. "Chúng tôi thường xuyên phải đăng ký lấy mẫu nhanh nên chi phí lại càng thêm tốn kém. Chưa kể tôi phải mất một nhân viên chỉ chuyên đi phục vụ hoạt động kiểm tra chuyên ngành cứ lặp đi lặp lại này. Một ngày 10 xe nằm ở cửa khẩu, chi phí bến bãi cũng đã 5 triệu một ngày, rồi tiền trả cho lái xe... Trong khi đó, theo thống kê của ngành mình, chưa đến 1% lô hàng có vấn đề. Vậy tại sao cứ áp dụng quy định này gây tốn kém cho doanh nghiệp", vị nữ doanh nhân này cho biết.
Với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, theo đại diện công ty này, việc kiểm dịch với các quy định hiện này là hoàn toàn vô nghĩa và mang tính hình thức. "Xe khi vào bãi, chỉ đăng ký kiểm dịch và nộp lệ phí là xong chứ không có xử lý kiểm dịch gì cả. Theo tôi việc này chỉ có ý nghĩa khi xác định đang có dịch bệnh mà thôi", bà Tú Anh cho biết.
Tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cũng cho biết đây là khó khăn của nhiều doanh nghiệp. Bà kể, có công ty hàng chục năm nay chỉ nhập khẩu duy nhất một sản phẩm làm gia công nhưng lúc nào cũng phải làm thủ tục kiểm định gây tốn kém thời gian cho doanh nghiệp.
Dự buổi đối thoại với doanh nghiệp có đại diện Tổng cục Hải quan, Thuế nhưng Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vẫn xung phong trả lời trực tiếp tất cả các chia sẻ, kiến nghị của từng doanh nghiệp. Vị lãnh đạo này thừa nhận đây không phải là bức xúc của riêng một vài doanh nghiệp và những rườm rà trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành là vấn đề trọng tâm mà ngành tài chính sẽ tìm phương án cải thiện. Ông cho biết trong số 7 triệu tờ khai hiện nay, chỉ khoảng 38% tờ khai phải thực hiện khâu kiểm tra này do quy định. "Mặc dù vậy so với các nước trong khu vực, tỷ lệ này vẫn còn cao. Tuy nhiên, với một số mặt hàng, quy định này vẫn là cần thiết", ông nói.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết giữa tháng 9, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Đề án nâng cao hiệu lực, giảm thời gian chi phí thông quan cho doanh nghiệp và văn bản này đang được lấy ý kiến trước khi ban hành. "Chúng tôi sẽ đầu tư phương tiện con người với cơ chế sửa đổi để làm sao khâu kiểm tra tại cửa khẩu nhanh nhất có thể", ông nói.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết có thể sẽ giảm tần suất và yêu cầu kiểm tra chuyên ngành khi thông qua với những hàng hóa nhập khẩu trực tiếp nhưng với một số cần kiểm soát đặc biệt thì vẫn phải giữ nguyên để đảm bảo an toàn.
Dịch vụ 24/7 - Tư vấn nhiệt tình - Sản phẩm chất lượng - Giao hàng tận nơi !
CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT THÀNH (VITIMEX CO., LTD)
VPGD: NV02-203 Nguyễn Huy Tưởng, P. Thanh Xuân Trung, Q. Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: 024.33547943 / 0983.953.795- Fax: 024.33547943
Email: vitimex99@gmail.com or info@vitimex99.com
Website: www.vitimex99.com